Một trong những phương pháp học tập hiệu quả hiện đang được nhiều sinh viên, học sinh áp dụng là học bằng sơ đồ tư duy (SĐTD).
Ba bước tạo sơ đồ
Theo
hướng dẫn của nhóm Lửa Xanh, sinh viên Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh,
thì chỉ cần bút và giấy là có thể lập một sơ đồ thông thường gồm ba
bước.
Thứ
nhất, vẽ chủ đề chính ở trung tâm tờ giấy với hình ảnh và màu sắc nổi
bật, bổ sung thêm từ ngữ nếu chủ đề không rõ ràng. Tiếp theo, từ chủ đề
trung tâm vẽ các nhánh, mỗi nhánh biểu thị cho một nội dung. Sau cùng,
vẽ thêm các nhánh nhỏ, tương đương với từng ý và chi tiết hỗ trợ trong
tiêu đề phụ. Những từ khóa dù tiêu đề chính hay phụ cũng nên viết in hoa
để dễ nhìn, dễ nhớ. Nếu bài học có ít nội dung (ít các nhánh) nên vẽ
các nhánh ấy tỏa khắp bốn góc của tờ giấy vì đây là cách phóng đại hình
ảnh tốt nhất, giúp người học nắm bắt ngay các ý chính.
Một sơ đồ tư duy môn vật lý do học sinh Trường THPT Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thực hiện
Các
nhánh chính phải tô màu nhằm phân biệt các ý. Tùy theo ý nghĩa của từ
khóa mà chọn màu phù hợp. Chẳng hạn với từ khóa là “ánh sáng” thì dùng
màu vàng để biểu thị cho ánh sáng mặt trời, từ khóa là “rừng” dùng màu
xanh lá cây. Thông qua màu sắc, người học sẽ liên tưởng ngay đến nội
dung từ khóa nhưng cũng đừng quá lạm dụng màu sắc vì dễ gây nhầm lẫn.
Sinh
viên có thể dùng phần mềm iMindmap 6 tại đây
Học sinh Trường THPT Marie Curie (TP Hồ Chí Minh) cùng vẽ SĐTD khi ôn tập - ẢnhT.Vân
Nguồn gốc của sơ đồ tư duy
Cha
đẻ của phương pháp Mind map (Sơ đồ tư duy giản đồ ý) là giáo sư Tony
Buzan, người Anh. Ông hiện là tác giả của 92 đầu sách, được dịch ra trên
30 thứ tiếng, xuất bản trên 125 quốc gia. Theo triết lý của Tony Buzan
thì sơ đồ tư duy được hiểu là một cách mở ra sức mạnh tư duy, tạo ra
những đột phá trong suy nghĩ. Buzan nghiên cứu chuyên sâu về bộ não, trí
nhớ, tìm ra quy luật khi xây dựng sơ đồ gồm nhiều nhánh, giúp bộ não
ghi chép các sự kiện một cách hệ thống. Sơ đồ tư duy giúp luyện tập trí
não. Ở Việt Nam, hiện đã có 2 quyển sách dịch từ công trình của ông được
xuất bản là Sơ đồ tư duy và Sử dụng trí não của bạn.
Theo
Lê Phan Viên Hy, huấn luyện viên Trung tâm đào tạo kỹ năng sống TGM,
sau khi vẽ xong, ngay lập tức ghi các thời điểm ôn lại vào góc nhỏ trên
sơ đồ. Đồng thời ghi các thời điểm đó vào sổ tay để xem và thiết lập
thời gian.
Thời
gian ôn luyện lý tưởng như sau: 10 phút, 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng sau
khi vẽ. Các bước ôn luyện như sau: Nhìn qua sơ đồ, không đọc nội dung mà
ước chừng thời gian để có thể ghi lại hết các nét và từ khóa. Chỉnh
đồng hồ báo thức đúng thời lượng rồi bắt đầu học bài bằng việc ghi lại
từng nhánh sơ đồ. Đối chiếu bài làm với bản chính. Có thể trong lần đầu
sẽ thiếu sót một vài từ khóa, một vài nhánh, hãy nhìn kỹ những từ khóa
đó để chắc chắn sẽ không quên trong lần ôn tiếp theo.
Nguyễn
Duy Minh, sinh viên khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân
văn TP Hồ Chí Minh, thông tin: “Một ngày số lượng từ mới bắt buộc mình
phải nhớ là rất nhiều. Nhờ SĐTD, mình đã nhớ lâu hơn, hệ thống nhanh các
dạng của từ, giúp mình có sự so sánh, cân nhắc việc dùng từ mang lại
hiệu quả cho việc học. Sơ đồ cũng giúp người vẽ thêm yêu thích môn học”.
Ngoài ra, Minh cho rằng SĐTD trông sẽ dễ nhìn hơn nếu từ khóa được viết
rõ ràng. Để học nhanh và ghi nhớ tốt, Minh khuyên nên chọn loại bút có
nét thanh nhỏ, dễ nhìn, màu mực đừng quá đậm. Không nhất thiết phải dùng
giấy to thì mới thể hiện các nhánh được rõ ràng. Giấy tập học sinh có
những đường kẻ giúp canh được vị trí của các nhánh vì vậy càng dễ vẽ
hơn. Ngoài ra cũng dễ dàng bảo quản và mang theo lên trường ôn bài. Nếu
khéo léo có thể tóm tắt một bài học dài 3, 4 trang trên một trang giấy
học trò.
Thầy
Phan Minh Chánh, Hiệu trưởng Trường THPT Chơn Thành (tỉnh Bình Phước)
là người đã ứng dụng SĐTD vào giảng dạy bộ môn vật lý đồng thời tạo
website cá nhân để hướng dẫn cho học sinh ứng dụng phương pháp trên,
chia sẻ: “Một SĐTD lý tưởng không nên chỉ lưu lại những ý chính mà còn
có thể kèm thêm các bảng dữ liệu, đồ thị và các loại biểu đồ khác nếu
cần thiết”. Thầy nêu kinh nghiệm: “Cách ghi chép trong sơ đồ hiệu quả là
hãy nghĩ trước khi viết, viết ngắn gọn và có tổ chức, viết lại theo ý
của mình, nên chừa khoảng trống để có thể bổ sung ý sau này”.
Tuyết Vân (TN)
Nguồn: Chaobuoisang.net
www.thinkbuzan.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét