28 thg 7, 2013

Sơ đồ Tư duy trong lĩnh vực giáo dục



Một trong những bước tiến thú vị nhất trong sự nghiệp gần đây của tôi là khuynh hướng tích cực của việc các nhà giáo dục và học sinh trên khắp thế giới đã bắt đầu sử dụng Sơ đồ Tư duy như một công cụ dạy và học. Sơ đồ Tư duy có thể giúp cho việc dạy và học trở thành một quá trình hiệu quả, thú vị và có tác dụng kích thích hơn.
Sơ đồ Tư duy đang được sử dụng trong các khóa tập huấn giáo viên, cho việc soạn giáo án, cho việc ghi chú ôn thi và làm bài tập về nhà, để giải thích các khái niệm phức tạp một cách đơn giản hơn và còn được sử dụng làm bản tóm tắt các quyển sách. Cũng có nhiều chương trình máy tính cực kỳ hiệu quả đang được sử dụng để cập nhật và lập Sơ đồ Tư duy rất nhanh chóng và dễ dàng. Nếu muốn biết thêm về các chương trình máy tính và Sơ đồ Tư duy, bạn có thể tham khảo chương 28 trong cuốn Sơ đồ Tư duy (BBC Active).
Theo những “tiêu chuẩn” thông thường trong lĩnh vực giáo dục, liệt kê và ghi chú sử dụng một màu là tốt, trong khi vẽ tranh, vẽ nguệch ngoạc và mơ mộng thì hiển nhiên là sai. Như bạn sẽ nhận thấy vào lúc này, niềm tin và những phát hiện của chính bản thân tôi chỉ ra rằng điều ngược lại là đúng: cách ghi chú thông thường sẽ giới hạn suy nghĩ, trong khi việc vẽ và mơ mộng sẽ kích thích Tư duy Mở rộng.
Đứa trẻ càng nhỏ thì nó sẽ càng ít bị ảnh hưởng bởi những giới hạn của quan niệm dạy học thông thường, và nó sẽ càng mở rộng một cách tự nhiên phạm vi sáng tạo bằng cách lập Sơ đồ Tư duy. Trẻ nhỏ lập Sơ đồ Tư duy một cách tự nhiên. Chúng thích vẽ tranh, thử viết chữ, sử dụng sự nhấn mạnh, biểu tượng, màu sắc – chưa kể đến các nhãn dính có hình khi viết, vẽ và giao tiếp.
Việc giải thích các câu chuyện, các chủ đề khoa học, các bài học lịch sử, các quy tắc âm nhạc hoặc các chủ đề về toán học với sự hỗ trợ của các Từ khóa và hình ảnh dưới dạng Sơ đồ Tư duy sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến cách đứa trẻ tiếp nhận, ghi nhớ và nhớ lại thông tin. Các kỹ năng Sơ đồ Tư duy được dạy lúc trẻ còn nhở sẽ trở thành một kỹ năng được áp dụng một cách tự nhiên trong suốt cuộc đời.
Đối với giáo viên và sinh viên, các ứng dụng của Sơ đồ Tư duy càng có tính thiết thực hơn: chúng giúp cho việc dạy và học trở thành một trải nghiệm dễ dàng và thú vị hơn. Những ứng dụng chính sau đây sẽ phác họa các lợi ích chủ yếu của việc lập Sơ đồ Tư duy trong lĩnh vực giáo dục.
Chuẩn bị các ghi chú cho bài giảng
Việc chuẩn bị bài giảng theo hình thức Sơ đồ Tư duy nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với việc viết bài giảng ra (hoặc viết những ghi chú cho bài giảng) từng chữ, từng hàng một. Lợi ích của việc này giúp giảng viên có sự khái quát nhanh về toàn bộ chủ đề.
Việc giảng bài dựa vào một Sơ đồ Tư duy thay vì những ghi chú theo kiểu tuần tự cũng sẽ giúp giảng viên được tự do và nói một cách lưu loát từ kiến thức của mình hơn là bị bó buộc vào một công thức khô khan, cứng nhắc. Sơ đồ Tư duy sẽ khuyến khích họ nói một cách hăng say bằng cảm xúc từ kiến thức thực sự hơn là chỉ biết lo sợ không tìm được chỗ đang trình bày trong phần ghi chú. Kết quả là mỗi bài giảng về cùng một đề tài sẽ khác đi một chút – và tập trung hơn. Những lợi ích của phương pháp này trong việc soạn và giảng bài là sinh viên sẽ thích thú và bị cuốn hút hơn là chìm vào giấc ngủ vì cảm thấy mình đang được người khác đọc cho nghe; và giảng viên sẽ say sưa với bài giảng hơn là cảm thấy nhạt nhẽo vì nhàm chán với bài giảng được lặp đi lặp lại.
Chuẩn bị cho các kỳ thi
Là một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc học, Sơ đồ Tư duy tốt hơn các phương pháp khác, đặc biệt vào thời điểm thi cử. Nếu mục đích thực sự của kỳ thi là kiểm tra kiến thức và khả năng hiểu của sinh viên thì Sơ đồ Tư duy là công cụ ôn tập hoàn hảo, vì nó cho phép sinh viên thâu tóm tất cả những gì họ biết – và tất cả những gì họ cần thiết – thành một bản tham khảo riêng lẻ và kích thích thị giác. Điều này có nghĩa là họ có thể tìm thấy và tự kiểm tra những sự kiện cơ bản nhanh hơn khi ôn lại; và sinh viên có thể đo sự tiến bộ của bản thân bằng cách tạo lại Sơ đồ Tư duy từ đầu rồi so sánh kiến thức nhớ được với Sơ đồ Tư duy “hoàn chỉnh” ban đầu.
Ngày nay, nhiều khóa học về các lĩnh vực chuyên môn, kinh doanh và giảng dạy đã đưa Sơ đồ Tư duy vào các chương trình huấn luyện và đánh giá sinh viên dựa vào đặc điểm Sơ đồ Tư duy của họ trong kỳ thi. Sơ đồ Tư duy đã được sử dụng thành công bởi những nhóm người rất khác nhau như Sở Cảnh sát thành phố London và giáo viên dạy trẻ mắc chứng khó đọc.
Một Sơ đồ Tư duy hiệu quả dành cho việc dạy và học có những khía cạnh chủ yếu sau:
  • Độ rộng của bài học.
  • Chiều sâu của bài học.
  • Những ý kiến cá nhân.
  • Những kỹ thuật nâng cao việc học.
  • Ví dụ: màu sắc, biểu tượng, mũi tên.      
Lợi ích của việc dạy và học bằng Sơ đồ Tư duy
Sơ đồ Tư duy sẽ tự động kích thích sự quan tâm của sinh viên vì nó có thể được thiết kế để trở thành một bài tập cho phép sinh viên cộng tác; điều này giúp sinh viên học sinh dễ tiếp thu hơn và chăm chú hơn trong lớp học. Sơ đồ Tư duy cũng làm cho các bài học và bài thuyết trình trở thành một trải nghiệm lý thú, sáng tạo và đầy ngẫu hứng đối với sinh viên và giáo viên. Sự linh hoạt của hệ thống Sơ đồ Tư duy cho phép giáo viên điều chỉnh và thay đổi bài học một cách dễ dàng, tùy theo nhu cầu của nhóm tuổi và chương trình giảng dạy. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho những người gặp khó khăn trong việc học, nhất là những người mắc chứng khó đọ, nhờ tập trung vào trí sáng tạo vá sự kích thích thị giác.
Không giống một văn bản được viết theo kiểu tuần tự, Sơ đồ Tư duy còn có một lợi ích khác là sự linh hoạt: nó không chỉ thể hiện các sự kiện mà còn thể hiện mối quan hệ giữa các sự kiện đó – điều này giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn. Ngoài ra, do Sơ đồ Tư duy chỉ bao gồm những kiến thức có liên quan nên sinh viên học sinh sẽ không bị vướng bởi những ghi chú dài dòng và bất tận, đồng thời có thể ghi nhớ thông tin quan trọng cho kỳ thi.
iMind Group

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét