13 thg 1, 2013

Ứng dụng Sơ đồ Tư duy cho các bài tiểu luận



Khi ghi chú từ sách hay bài giảng, bạn phải lấy những yếu tố quan trọng trong nội dung được sắp xếp theo kiểu tuần tự để tạo một Sơ đồ Tư duy. Còn khi ghi chú để viết tiểu luận, trước hết bạn phải xác định các yếu tố quan trọng của chủ đề trong một Sơ đồ Tư duy rồi dùng chúng để tạo thành cấu trúc tuần tự.

Bao giờ cũng vậy, bạn phải bắt đầu Sơ đồ Tư duy bằng một hình ảnh trung tâm biểu thị cho đề tài của tiểu luận.
Sau đó, bạn có thể chọn các Ý Chủ đạo thích hợp, làm những nhánh chính. Ở giai đoạn này, bạn cần chú ý kỹ đến yêu cầu của đề tài hoặc câu hỏi. Ngôn từ của chúng thường cho biết các Ý Chủ đạo phải như thế nào.

Hãy để đầu óc “lang thang” thoải mái, thêm những thông tin hoặc chủ điểm nếu thấy thích hợp vào Sơ đồ Tư duy của bạn. Không giới hạn số lượng các nhánh chính và nhánh phụ vươn ra từ Ý Chủ đạo. Trong giai đoạn tạo Sơ đồ Tư duy này, bạn nên dùng ký hiệu (màu sắc, biểu tượng, hoặc cả hai) để biểu thị chỉ dẫn tham chiếu hoặc sự liên tưởng ý giữa các lĩnh vực khác nhau
Tiếp theo là hiệu chỉnh và tái lập Sơ đồ Tư duy của bạn thành một thể có kết cấu hợp lý.

Bây giờ, hãy ngồi xuống và viết bản nháp đầu tiên, dùng Sơ đồ Tư duy làm dàn ý. Một Sơ đồ Tư duy có kết cấu hợp lý phải cho bạn tất cả phần chính của tiểu luận, những chủ điểm được đề cập trong mỗi phần, và mối liên hệ giữa các chủ điểm ấy. Ở giai đoạn này, bạn phải viết càng nhanh càng tốt, bỏ qua những đặc điểm gây khó khan đặc biệt cho bạn, nhất là một số từ hoặc cấu trúc ngữ pháp nào đó. Làm như vậy, bạn sẽ viết dễ dàng hơn, và lúc nào cũng có thể trở lại các “chỗ khó” ban đầu, giống như nghiên cứu một cuốn sách.
Khi gặp “chỗ bế tắc của người viết văn”, bạn có thể khắc phục bằng cách tạo một Sơ đồ Tư duy khác. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần vẽ hình ảnh trung tâm thôi cũng sẽ giúp trí não bạn hoạt động trở lại và xoay quanh đề tài của bài tiểu luận. Nếu bị bế tắc lần nữa, bạn chỉ cần vạch ra thêm các nhánh mới bung ra từ những Từ khóa/ Hình ảnh Chủ đạo bạn vừa khởi tạo, rồi tính toàn thể (gestalt) hay “khuynh hướng hoàn chỉnh” của bộ não sẽ tự động điền/ hình ảnh mới vào chỗ trống. Lúc này, bạn cũng phải tự nhắc mình về khả năng liên kết vô tận của bộ não và cứ để tất cả các ý tưởng tự do tuôn trào, nhất là các ý mà có thể bạn gạt bỏ đi vì cho là “vớ vẩn”. Những chỗ bế tắc như thế sẽ biến mất ngay khi bạn hiểu rằng chúng được tạo ra không phải do não của bạn thiếu khả năng mà do nỗi sợ ngấm ngầm về sự thất bại và hiểu sai về cách hoạt động của bộ não.
Cuối cùng, hãy xem lại Sơ đồ Tư duy và hoàn chỉnh bài luận, thêm những chỉ dẫn tham chiếu, chứng cớ và trích dẫn để hỗ trợ cho lập luận của bạn, sửa đổi hoặc mở rộng kết luận nếu cần.

Cần lưu ý rằng các Sơ đồ Tư duy chúng ta đang nói đến có mục đích thay thế những ghi chú dài dòng mang tính tuần tự mà phần lớn sinh viên phải viết trước khi thật sự làm bài luận. Phương pháp Sơ đồ Tư duy chỉ sử dụng một Sơ đồ Tư duy và một bản nháp viết nhanh thay cho hai chục trang ghi chú và hai/ba bản nháp. Ở đây, cũng cần nói thêm là chương trình xử lý văn bản sẽ hỗ trợ đắc lực cho Sơ đồ Tư duy vì nó làm tăng khả năng tùy biến khi viết nháp. Tương tự như thế, chương trình máy tính có thêm Sơ đồ Tư duy sẽ là một trợ thủ tuyệt vời cho việc viết luận.

Sinh viên, học sinh – những người thi cử thường xuyên – sẽ thấy việc viết luận theo giới hạn thời gian nghiêm ngặt như đang thi là một điều thật ích lợi. Và phương pháp này đặc biệt hữu dụng trong các tình huống học thuật mang tính tuyển chọn gắt gao, khi bộ não của bạn cần được rèn luyện thường xuyên để đạt kết quả tối ưu dưới những điều kiện thi cử hết sức căng thẳng.

Lời phát biểu của em Katarina (học sinh Thụy Điển) khi vẽ Sơ đồ Tư duy:
“Em càng viết và vẽ thì trong đầu em càng xuất hiện nhiều ý tưởng. Em càng có nhiều ý tưởng thì chúng càng trở nên táo bạo và độc đáo hơn. Lúc đó, em cảm nhận rằng Sơ đồ Tư duy sẽ không bao giờ có chỗ kết thúc.
Chỉ có một ai đó mà em kính nể, một cơn đói cào bụng, hoặc cơn khát đến cháy cổ mới có thể làm em ngưng vẽ Sơ đồ Tư duy!”

 Trích từ cuốn sách Sơ đồ tư duy - Tony Buzan - NXB Tổng hợp TpHCM & Cty TNHH Nhân trí Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét